“ Nhịp sống Sài Gòn vốn tấp nập và bận rộn như một guồng quay bất tận, cuốn những đứa con của nó cứ quay mãi, quay mãi. Tấp nập đi học rồi đi làm, thế nhưng người Sài Gòn tài hoa vẫn tìm ra được những khoảng khắc thật bình lặng, để ngồi trên một quán cà phê lề đường, nhâm nhi ly cà phê đắng, đôi khi thưởng thức một điếu thuốc lá thơm. Có lẽ đó cũng là một trong rất nhiều điều làm nên văn hóa và cách sống của người dân Sài Thành.
Cà phê và nét văn hóa của người Sài Gòn
Cà phê là một thức uống được ưa chuộng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng mỗi nơi lại có một văn hóa uống cà phê rất riêng. Chẳng hạn như người Mỹ bận rộn thường thích loại cà phê uống mang đi, người Ý thì có thể ngồi trầm ngâm hàng giờ với ly cà phê của mình, người Pháp thì ngồi uống cà phê để ngắm các cô gái đi lại trên đường…Vậy người Việt Nam, người Sài Gòn thì sao ?
Mỗi nơi trên thế giới tồn tại một “nền văn hóa” cà phê khác nhau
Đã từ lâu rồi, tôi đọc được rằng người Việt Nam thích cà phê, rất thích. Thế nhưng văn hóa uống cà phê giữa Hà Nội và Sài Gòn hoàn toàn khác nhau.
Thời gian uống cà phê:
Ở Sài Gòn: thường uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng trước khi đi làm
Ở Hà Nội: thường uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối trước khi… đi ngủ
Nếu bạn gọi một ly nâu:
Ở Sài Gòn: bạn sẽ được chủ quán mang cho một ly cà phê đen
Ở Hà Nội: bạn sẽ được 1 ly cà phê có thêm sữa
Nếu bạn muốn uống cà phê sữa:
Ở Sài Gòn: cho xin 1 ly bạc xỉu
Ở Hà Nội: nếu bạn gọi 1 ly bạc xỉu bạn sẽ nhận được câu trả lời – không có, hoặc bạn bị coi là… hâm.
Cà phê Sài thành có một nét văn hóa rất riêng, thoạt nhìn thì trông có vẻ xô bồ, bát nháo nhưng thực ra rất đa phong cách, có thể làm vừa lòng rất nhiều “tín đồ” cà phê của các nền văn hóa khác nhau. Người Bắc vào Sài Gòn vài lần sẽ không thể hiểu nổi tại sao cái thứ nước đen đen, phảng phất mùi cà phê và ngọt như “chè đỗ đen” lại được dân Sài Gòn chuộng đến thế. Tối ngày sáng đêm, bất kể lúc nào dân Sài Gòn cũng có thể uống cà phê. Từ quán cà phê bệt vỉa hè tới những quán sang trọng giá một ly bằng một ngày lương của lao động công nhật, cứ mở cửa là có khách.
Cái thứ nước đen đen, phảng phất mùi cà phê và ngọt như “chè đỗ đen” - "gu" cà phê của Người Sài Gòn.
Nhiều người đùa vui rằng, lý do cà phê tại Sài Gòn ngọt và nhạt như thế là do người dân Sài Gòn bản tính ngọt ngào, không thích đắng cay. Mỗi buổi sớm tại Sài Gòn, bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh một người đàn ông trung niên, ngồi bình thản trên chiếc ghế cóc tại quán cà phê giản đơn, trầm tư nhìn từng giọt cà phê phin nhỏ xuống chiếc ly be bé.
Ở Sài Gòn, đâu đâu cũng có quán cà phê hiện diện, từ góc hẻm nhỏ đến những đại lộ. Không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu quán cà phê tại Sài Gòn vì biểu đồ cà phê ở đây chi chít và biến đổi liên tục như một bầu trời sao. Sự tiện dụng của các quán cà phê ở Sài Gòn phổ biến tới mức xuất hiện hầu hết trong cuộc sống đời thường của người dân nơi đây. Đãi khách, bàn công việc, gặp gỡ bạn bè, muốn yên tĩnh chiêm nghiệm bản thân – cuộc đời, muốn thư giãn… đều được thực hiện ở quán cà phê.
“Hôm nào rảnh đi cà phê !!!” là lời rủ rê quen thuộc của dân Sài Thành
Đó có thể là một quán cà phê cầu kỳ sang trọng với máy lạnh, vật dụng trang trí đắt tiền. Hay có khi quán cà phê chỉ là một rổ nhựa chứa vài cái ly cũ kỹ nơi góc cột điện với dăm chiếc ghế thấp dành cho khách ngồi. Mới hôm qua thôi, trên con đường đi làm quen thuộc, bạn còn nhận thấy một quán cà phê đông người thì có thể sáng nay nó đã biến đi không tăm hơi, một sự biến mất để lại chút gì tiếc nuối trong bạn. Và biết đâu khi vừa mở cửa, trước nhà bạn lại là một quán cà phê không mời mà tới! Tại sao cà phê Sài Gòn lại có một sức sống mãnh liệt như thế?
Không khó để tìm một quán cà phê ngồi nhâm nhi ở Sài Gòn
Cà phê đã và đang là nét văn hóa không thể thiếu của người dân Sài Gòn. Ngoài công dụng giúp tỉnh táo cho cả một ngày làm việc vất vả, cà phê còn là một món ăn tinh thần, là nơi chốn gặp gỡ cho bạn bè, đối tác, và cả hẹn hò lý tưởng nữa … Nếu bạn không phải người Sài Gòn nhưng lại có dịp đến thành phố này, hãy thời gian để nếm trải cảm giác uống cà phê nơi góc phố, nếm trải cảm giác làm người Sài Gòn nhé.